Logistics là một khâu trung gian giúp đưa hàng hóa đến tay của người tiêu dùng. Vậy trong trường hợp hàng hóa đến tay của người tiêu dùng nhưng không đáp ứng được nhu cầu thì phải làm thế nào?
Đây chính là lúc logistics được thực hiện nhiệm vụ. Bài viết sau đây sẽ giúp cho bạn hiểu rõ hơn về vai trò của logistics ngược trong doanh nghiệp.
1. Logistics ngược là gì?
Logistics ngược (có tên tiếng Anh là Reverse Logistics), hay còn gọi là logistics thu hồi. Đây chính là toàn bộ quá trình bao gồm lập kế hoạch cho đến kiểm soát, thu hồi sản phẩm từ tay khách hàng trở ngược về tay người bán.
Hiểu một cách đơn giản, logistic thu hồi sẽ bao gồm tất cả những hoạt động liên quan đến việc nâng cấp, bảo trì, sửa chữa, tái chế sản phẩm khi không đạt yêu cầu của khách hàng.
Loại hình này được hình thành dựa vào nhu cầu thực tiễn của dịch vụ, hỗ trợ khách hàng, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Doanh nghiệp sử dụng mô hình này sẽ có nhiều ưu thế cạnh tranh hơn trên thị trường.
Logistics ngược hay Reverse Logistics là gì?
2. Sự khác biệt giữa Logistics xuôi và Logistic ngược là gì?
Vậy thì Logistics thu hồi khác với Logistics xuôi như thế nào? Bạn có thể tham khảo các đặc điểm khác nhau cơ bản như sau:
Tiêu chí | Logistics xuôi | Logistics ngược |
Khả năng dự tính trước | Có thể dự tính trước và lên kế hoạch | Khó có thể dự tính trước. |
Chất lượng sản phẩm | Sản phẩm có tính đồng đều cao | Không đồng đều |
Quy trình vận chuyển | Vận chuyển hàng hóa từ một vị trí tập trung (doanh nghiệp) đến nhiều điểm khác nhau (khách hàng). | Vận chuyển hàng hóa từ nhiều điểm khác nhau (khách hàng) tập trung lại một điểm (doanh nghiệp) |
Giá thành | Có sự đồng nhất cao về giá thành sản phẩm | Giá cả sẽ có sự chênh lệch theo từng thời điểm vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Giá không đồng nhất. |
Bao bì đóng gói | Hàng được đóng gói theo đúng tiêu chuẩn và đảm bảo sản phẩm vẫn còn nguyên. | Sản phẩm không còn nguyên vẹn và bao bì đã bị rách. |
Tốc độ vận chuyển | Quan trọng | Không phải yếu tố ưu tiên |
Trách nhiệm | Có sự rõ ràng về trách nhiệm đối với hàng hóa. | Có sự mâu thuẫn về trách nhiệm đối với hàng hóa. |
Chi phí phát sinh | Kiểm soát toàn bộ chi phí một cách chặt chẽ | Không có khả năng kiểm soát toàn bộ chi phí |
3. Quy trình vận hành Logistics ngược
Logistic ngược ra đời để đáp ứng các nhu cầu như: Thu hồi bao bì tái chế sử dụng, thu hồi sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu, thu hồi các sản phẩm đã bị tháo dỡ và tái sử dụng,…
Vậy thì quy trình của Logistics thu hồi bao gồm những giai đoạn nào? Bạn có thể tham khảo 4 giai đoạn cơ bản như sau:
- Giai đoạn 1 – Tập hợp. Đây là giai đoạn thu hồi tất cả những sản phẩm có lỗi, sản phẩm không bán được, bị các vấn đề về bao bì sau đó vận chuyển đến điểm thu hồi.
- Giai đoạn 2 – Kiểm tra. Khi sản phẩm đã được vận chuyển đến điểm thu hồi sẽ kiểm tra lại hàng hóa, phân loại hàng hóa theo các tiêu chí đã xác định từ trước. Đây là giai đoạn quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến những hoạt động tiếp theo.
Phân loại hàng hóa là bước quan trọng
- Giai đoạn 3 – Xử lý. Khi hàng hóa đã trở về lại với doanh nghiệp thì sẽ có nhiều cách để xử lý như: Tái sử dụng sản phẩm, phục hồi sản phẩm, sửa lỗi sản phẩm, tháo sản phẩm để lấy lại một số phụ tùng,… Nếu không thể tái sử dụng thì sẽ tiến hành xử lý rác thải để giảm thiểu tác động lên môi trường.
- Giai đoạn 4 – Phân phối lại. Các hoạt động logistics sẽ trở lại bình thường như vận chuyển, lưu trữ, sau đó phân phối hàng đến tay người mua.
4. Vai trò của Logistics ngược đối với doanh nghiệp
Logistics ngược đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp? Bạn có thể tham khảo các vai trò cơ bản của mô hình này như sau:
4.1. Tạo sự thông suốt cho quá trình logistics xuôi
Trong một số giai đoạn của logistic xuôi khi phát hiện sản phẩm không đạt yêu cầu như bao bì lỗi, hư hỏng, kém chất lượng,… thì cần phải hoàn về với doanh nghiệp. Logistics thu hồi sẽ đóng vai trò hỗ trợ hoạt động hoàn về.
Từ đó, có thể thấy rằng sự vận hành của logistics thu hồi sẽ giúp cho quy trình logistic xuôi được thông suốt. Hay nói cách khác, để doanh nghiệp đạt được hiệu quả khi quản lý dòng logistic xuôi thì các công ty cần phải kết hợp cùng với hoạt động Logistics ngược.
4.2. Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng
Khi doanh nghiệp có thể chủ động thu hồi lại những mặt hàng có vấn đề sẽ giúp cho việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn. Điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng hiệu quả.
4.3. Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Reverse logistics có nhiệm vụ chính là thu hồi hàng hóa. Các dịch vụ như chi phí vận chuyển, phục hồi, sửa chữa,… sẽ tăng lên. Trung bình chi phí dành cho hoạt động Logistics thu hồi sẽ chiếm khoảng từ 3 đến 15%.
Tuy nhiên, nếu như doanh nghiệp có khả năng triển khai tốt quy trình logistics thu hồi sẽ tiết kiệm được các chi phí như: Chi phí nguyên liệu vì được tái sử dụng, chi phí bao bì,…
Điều này giúp cho công ty giảm giá trị tài sản cố định, giảm giá trị hàng tồn kho, giảm giá trị tài sản lưu động,… giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp.
4.4. Tạo dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp
Khách hàng luôn đánh giá cao trước những hành vi mang ý nghĩa bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Khi doanh nghiệp sẽ phải xử lý hàng thu hồi đáp ứng được việc bảo vệ môi trường nên sẽ xây dựng hình ảnh “xanh” trong mắt khách hàng.
5. Các loại Logistics ngược
Đa phần các loại Logistics ngược đều tập trung vào thủ tục quản lý, chính sách đổi trả, xử lý các về đề về tái sản xuất,… Bạn có thể tham khảo chi tiết các loại Logistics thu hồi như sau:
5.1. Quản lý trả hàng
Đây là toàn bộ quy trình liên quan đến việc hoàn sản phẩm lại từ tay khách hàng. Giai đoạn này sẽ được làm nhanh chóng, đơn giản, dễ kiểm soát hàng hóa. Dựa trên chính sách đổi trả của công ty khách hàng sẽ đánh giá được doanh nghiệp này có thật sự chuyên nghiệp hay không.
5.2. Chính sách và thủ tục hoàn trả (RPP)
Chính sách và thủ tục hoàn trả chính là những thông tin về lợi nhuận của công ty chia sẻ đến khách hàng. Đây là chính sách mà nhân viên phải tuân thủ, có tính nhất quán, minh bạch.
5.3. Tái sản xuất hoặc tân trang
Loại Logistics ngược này bao gồm các giai đoạn như thu hồi, tân trang và tái sản xuất. Doanh nghiệp có thể tháo rời tất cả những sản phẩm, hoặc mang đi sửa lỗi, sản xuất lại để chuẩn bị cho việc kinh doanh tiếp theo.
Tái sản xuất để nâng cao chất lượng
5.4. Quản lý bao bì
Doanh nghiệp tập trung vào việc tái sử dụng tất cả những vật liệu đóng gói để giảm thiểu tình trạng rác thải thải ra môi trường. Đây là một trong những tiêu chí cho thấy được doanh nghiệp có thật sự “xanh” hay không.
5.5. Hàng hóa chưa bán được
Một số hàng hóa sẽ bị trả về do hàng lỗi thời, khách không muốn nhận, hàng không đạt chất lượng,… Dịch vụ Logistics thu hồi sẽ xử lý bằng cách trả lại hàng từ nhà bán lẻ về nhà sản xuất.
6. Mô hình tích hợp Logistics ngược và Logistics xanh
Xu hướng hiện nay của các doanh nghiệp chính là sự kết hợp giữa Logistics ngược và chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain). Tuy nhiên, đối với thị trường ở Việt Nam thì đây vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, mới mẻ.
Để Baspro chia sẻ cho bạn một ví dụ về logistics ngược kết hợp với chuỗi cung ứng xanh!
Vào năm 2012, các tác giả N.Mishra, F.T.S.Chan và V.Kumar đã đề xuất một cấu trúc để tích hợp giữa Logistics thu hồi và Logistics xanh. Đối với mô hình này, Logistics thu hồi sẽ phối hợp với các trung tâm phân phối hàng hóa để rà soát các sản phẩm.
Sản phẩm sẽ được phân loại dựa vào các yếu tố như: Sản phẩm bị lỗi hay đã qua sử dụng, sản phẩm sử dụng lại, sản phẩm cần đưa vào tái chế,…
Logistics thu hồi sẽ đảm nhiệm vai trò là 1 trung tâm phân phối, xử lý chất thải, rà soát bao bì, tiêu thụ nhiên liệu,… Dựa trên sự phân loại này, doanh nghiệp sẽ đưa ra hướng xử lý cho quá trình tiếp theo, giúp tái chế và tái sản xuất hiệu quả.
Việc kết hợp giữa Logistics ngược và chuỗi cung ứng xanh không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn bảo vệ môi trường. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc tăng cường năng suất phát triển sản phẩm, nâng cao dịch vụ đối với khách hàng.
7. Kết luận
Mặc dù Logistics ngược là một khái niệm còn khá mới, nhưng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng đối với tất cả doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.
Hy vọng rằng trong tương lai sẽ có nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình này để tối ưu được lợi nhuận, đồng thời bảo vệ được môi trường sống.
Share: